Một thầy giáo đưa ra hai đáp án cho các học sinh của mình “Vì có ngày thể nào các em cũng phải làm bài tập toán hộ con cháu các em” .Đáp án này tuy có hơi hài hước nhưng xem ra cũng rất thực tế. Đồng thời ông cũng đưa ra một câu trả lời nghiêm túc hơn “Vì hiểu biết về toán học sẽ mở cho các em có vô số cơ hội trong tương lai”.
Giáo viên môn toán khắp nơi đều có những câu “bí kíp” của riêng mình để giải đáp cho câu hỏi bất tận về việc học môn toán. Nhưng tổng hợp lại, có 3 lý do chính đáng và vô cùng thuyết phục khiến người ta không thể bỏ qua môn học này:
1. Học toán để rèn luyện tư duy
Không ai có thể phủ nhận rằng: Thành công của một cá nhân tùy thuộc vào mức độ xử lý tình huống trong toàn bộ cuộc đời. Dù có ở làm công việc gì hay ở vị trí nào thì ta cũng sẽ cảm thấy thỏa mãn và phấn khích khi biết cách đối đầu với những thử thách ở trước mắt. Và khi trẻ không thể luyện tập trước việc xử lý tất cả các tình huống có thể xảy ra trong đời, có một môn học có thể giúp trẻ rèn luyện suy nghĩ logic: môn toán học. Làm toán có thể giúp trẻ luyện khả năng giải quyết vấn đề theo các bước, điều này hoàn toàn có thể được áp dụng vào các tình huống hang ngày: chỉ rõ vấn đề, đưa ra các hướng giải quyết, bắt tay vào giải quyết và đánh giá kết quả.
Có một câu hỏi: Tại sao mọi người lại cần tới phòng tập thể dục để tập? Chắc chắn không phải vì họ mong muốn giành được huy chương trong kỳ Olympics. Lý do chỉ đơn giản là mọi người đều muốn rèn luyện sự dẻo dai và sức khỏe, làm sao cho cuộc sống thật dễ chịu và thoải mái. Toán học có khác gì so với việc tập thể dục cho bộ não đâu! Có thể sẽ chẳng bao giờ bạn cần phải đụng tới phương trình bậc 2 trong cả cuộc đời, nhưng quá trình học sẽ giúp củng cố sức mạnh của não bạn. Bằng cách luyện tập việc giải quyết các bài toán, bạn đã tăng cường khả năng đưa ra các quyết định phức tạp cho mình.
Trong một bài thuyết trình có tựa đề “Dạy và học Đại số dựa trên thần kinh học/ Nghiên cứu khoa học về nhận thức”. Giáo sư toán học Ed Laughbaum đã trích dẫn của tiến sĩ Richard Restak, nhà thần kinh học: “…trí thông minh chẳng khác gì chất dẻo và hoàn toàn có thể “biến đổi” được. Toàn bộ kinh nghiệm của ta là kết quả của việc hình thành các liên kết thần kinh. Những trải nghiệm càng phong phú, đa dạng và thử thách thì các liên kết ngày càng tinh vi hơn.” Học những khái niệm trừu tượng như Đại số sẽ “ép” cho bộ não phải nghĩ theo các phương thức mới mẻ, việc này sẽ giúp tạo ra những liên hệ cần thiết để giải quyết được bất kỳ một vấn đề nào trong tương lai”.
2. Học toán để vận dụng trong thực tế
Đôi khi thiếu hiểu biết cơ bản về toán học sẽ khiến bạn rắc rối to. Thầy đưa ra một ví dụ thực tế như một lý do để học toán cơ bản “Nếu xe ô tô của các em có 2 lít xăng, và em còn phải đi 30 km nữa, liệu em có đi nổi không?” Đáp án sai cho câu hỏi này có thể khiến người trong cuộc phải cuốc bộ dài dài.
Sau đây là các tình huống khác mà tính toán sai có thể đẩy người ta vào tình huống dở khóc dở cười hay thậm chí đe dọa tính mạng:
- Bạn chuẩn bị đi du lịch tới Canada, dự đoán nhiệt độ là 32 độ C. Bạn sẽ chuẩn bị giày ống hay dép quai?
- Con bạn cần uống thuốc hạ sốt vào lúc 3h sáng. Hướng dẫn sử dụng ghi rõ: trẻ nặng 30 kg uống 2 thìa thuốc. Con bạn nặng 20 kg thì cần uống bao nhiêu?
- Bạn cùng 8 người nữa đi ăn tối, mọi người chia nhau số tiền 177 đồng trên hóa đơn thanh toán. Cộng thêm cả tiền tip cho bồi bàn 20%, mỗi người sẽ phải đóng bao nhiêu?
- Bạn muốn sơn 3 chiếc giường chiều dài 4m x 3m. Bạn phải dung bao nhiêu sơn?
- Bạn muốn thế chấp tài sản cố định trong 30 năm lấy số tiền 200 000 đồng. Phương án nào tốt hơn: 5.6% lãi hàng năm, hay 5.3% lãi nửa năm một?
- Bơ đậu phộng của bác Joe giá 3,5 đồng một kg. Trong khi ở chợ bán 23 xu một lạng. Mua ở đâu thì được giá hơn?
Chính khi lâm vào những tình huống trên thì người lớn chúng ta mới bắt đầu ước ao giá mình để tâm nhiều hơn vào những giờ học toán.
3. Học toán để có một tương lai tươi sáng
Trong quyển sách của mình Vì sao môn toán quan trọng, giáo sư Jo Boaler đã lý luận rằng tương lai của nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào việc trẻ em nhận được nền giáo dục toán học chất lượng. “Sinh viên không đạt kết quả cao và không chọn học toán ngoài các lớp cơ bản; tình huống này chính là nguy cơ nghiêm trọng đe dọa tới sự tiến bộ của ngành y tế, khoa học và kỹ thuật tương lai”.
Ví dụ như ở nước Mỹ, thế kỷ 20 đã ghi nhận nhiều thành công về kinh tế được thúc đẩy bởi nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, từ mẫu xe hơi của Ford tới máy Macintosh của Apple. Thiết kế, tạo lập và đem bán những kỹ nghệ này đã đem đến mức sống tốt nhất thế giới cho người Mỹ. Vậy mà, số sinh viên Mỹ học chuyên ngành toán học đang giảm, trong khi con số này đang tăng ở các nước khác.
Để khám phá ra những lý do cho sự chênh lệch này, người viết đã chuyện trò cùng Babak Darafshi, một kỹ sư điện người sinh ra ở Iran nhưng lại có bằng cấp tại nước Mỹ. “Suốt cả quá trình tôi lớn lên, quan điểm của xã hội là sự trọng vọng dành cho các kĩ sư và bác sĩ.” Anh giải thích. “Quan điểm này tồn tại ở nhiều nước trừ nước Mỹ (những nước đang phát triển hoặc phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Đài Loan). Toán và vật lý cũng như các môn khoa học là bắt buộc, là chính khóa đối với nền giáo dục, giáo trình môn toán của học sinh các nước này còn nặng hơn giáo trình dành cho sinh viên năm đầu ở nước Mỹ.“ Những quốc gia này hiểu rằng một chương trình giáo dục khắt khe dành cho môn toán và khoa học là tối cần thiết để tạo ra vô số việc làm có thể thay đổi cả nền kinh tế, một khía cạnh mà nước Mỹ đang dần để tuột.
Trong bài phát biểu gần đây về nền kinh tế với nhiều vấn đề, tổng thống Obama đã nhấn mạnh rằng :”Một trong những thay đổi tôi muốn chứng kiến.. là một lần nữa thấy những người giỏi nhất và sáng giá nhất của chúng ta dồn hết tâm sức để kiến tạo kỹ sư, nhà khoa học…. Hãy dồn sức để xây đắp và tạo ra những thứ giúp đất nước tăng cường xuất khẩu.” Nếu muốn các sinh viên đáp ứng được những mục tiêu của Tổng thống, phụ huynh và các nhà giáo dục nhất thiết phải tìm ra những cách để khiến môn toán học hấp dẫn đối với trẻ. Chỉ như thế, những mầm non tương lai mới thấy được khích lệ để theo đuổi những sự nghiệp có khả năng vực dậy nền kinh tế và khoa học của đất nước.
(Nguồn : Sưu tầm)